21 YEARS OF GALERIE QUYNH: A group exhibition curated by Thái Hà

21 March - 21 June 2025
Overview

Kỷ niệm 21 năm thành lập phòng tranh

Đôi lời từ nhà sáng lập

 

Nếu thử tìm kiếm nhanh trên mạng về định nghĩa “phòng tranh thương mại”, ta có thể dễ dàng tìm được câu hỏi và câu trả lời sau:

Đâu là sự khác biệt giữa phòng tranh và bảo tàng?

Phòng tranh là một doanh nghiệp tư nhân hoạt động thương mại, tổ chức triển lãm với các nghệ sĩ trong danh sách đại diện của mình và bán các tác phẩm trưng bày. Trong khi đó, một bảo tàng là một tổ chức công lập, phi thương mại, xây dựng chương trình triển lãm vì mục đích văn hóa và giáo dục.

Galerie Quynh dường như đứng ở lằn ranh giữa hai định nghĩa này.

 

Phòng tranh được thành lập vào năm 2000 dưới hình thức một nền tảng trực tuyến do sử gia nghệ thuật Quỳnh Phạm và nghệ sĩ Robert Cianchi, với ý tưởng ban đầu là tạo ra một kho tư liệu phi lợi nhuận nhằm ghi chép và lưu trữ về nghệ thuật đương đại Việt Nam. Nhưng rất nhanh sau đó, cả hai nhận ra rằng điều này là chưa đủ. Lúc bấy giờ, không có nhiều không gian dành cho nghệ thuật đương đại, cũng không có các tổ chức chính thống để thúc đẩy đối thoại giữa nghệ thuật và công chúng. Nghệ sĩ phải tự tìm cách khẳng định mình trong một hệ sinh thái thiếu vắng sự hỗ trợ tài chính, pháp lý và định hướng nghề nghiệp. Hạ tầng trưng bày còn sơ sài, thiếu những tiêu chuẩn kỹ thuật bảo quản và đóng khung tác phẩm chuyên nghiệp. Phê bình nghệ thuật cũng là một lĩnh vực vắng người. Danh sách những thiếu hụt này dường như kéo dài vô tận.


Thứ duy nhất không thiếu chính là một thế hệ nghệ sĩ tài năng và đầy nhiệt huyết – những người bước ra từ thời kỳ trước Đổi Mới, khi nghệ thuật chủ yếu phục vụ lợi ích chung của tập thể, nhưng giờ đây đang dần tìm thấy tiếng nói cá nhân và định hình thực hành nghệ thuật của riêng mình.

 

Từ nhận thức đó, phòng tranh phát triển một cách tự nhiên, từng bước lấp đầy những khoảng trống còn bỏ ngỏ. Galerie Quynh bắt đầu bằng loạt triển lãm ngắn hạn tại Nhà Trưng bày Triển lãm Thành phố trên mặt đường Lê Thánh Tôn vào cuối năm 2000; đến tháng 12 năm 2003, phòng tranh mở không gian đầu tiên – một phòng trưng bày nhỏ vỏn vẹn 40m² nhưng có sức ảnh hưởng vượt xa con số khiêm tốn ấy.

 

Chương trình triển lãm của phòng trưng bày chưa bao giờ bị chi phối bởi thị trường, mà luôn xuất phát từ niềm tin vào thực hành nghệ thuật của các nghệ sĩ. Chúng tôi tin rằng, về lâu dài, những tác phẩm xuất sắc nhất sẽ trường tồn với thời gian, ngay cả khi chúng chưa được thị trường hay công chúng đón nhận ngay lập tức. Một số nghệ sĩ nổi tiếng và thành danh nhất của Việt Nam ngày nay đã có những triển lãm cá nhân đầu tiên tại Galerie Quynh, vào thời điểm mà thị trường nghệ thuật cho những tác phẩm như vậy vẫn chưa thực sự thành hình.

 

Hôm nay, Galerie Quynh không chỉ là một không gian vật lý để trưng bày và giao dịch nghệ thuật, mà còn là một phần của lịch sử sống động, một minh chứng cho sự tận tụy và say sưa của tất cả những con người đã góp phần vào hành trình 21 năm qua – từ những thực tập sinh và nhân viên xuất sắc, những người sau này đã trở thành những học giả, giám tuyển, giám đốc phòng trưng bày, nhạc sĩ hàng đầu và hơn thế nữa; đến hàng trăm nghệ sĩ trong nước và quốc tế với thực hành đa dạng; cả những khách tham quan hiếu kì, có người bị bất ngờ, có người tìm thấy cảm hứng, cũng có người rời đi với một chút hoang mang; và không thể thiếu những nhà sưu tập, những người bảo trợ nghệ thuật từ khắp nơi trên thế giới – những người đã ủng hộ phòng tranh, giúp chúng tôi tiếp tục kiên định với con đường của mình, từ một không gian nhỏ 40m² tại 23 Lý Tự Trọng đến không gian 600m² ngày hôm nay (sau 5 lần buộc phải di dời).

 

Kỷ niệm 21 năm thành lập, Galerie Quynh đã mời Thái Hà – một trong những curator trẻ năng động nhất Việt Nam và cũng là cựu thành viên của phòng tranh – thực hiện một triển lãm đặc biệt. Không chỉ để nhìn về chặng đường đã qua, mà quan trọng hơn, để tiếp tục hướng tới tương lai.

 

Chúng tôi vô cùng biết ơn tất cả những ai đã đồng hành trong hành trình này, cùng nhau xây dựng một hệ sinh thái và cộng đồng nghệ thuật tại Việt Nam. Cảm ơn bạn đã luôn tin tưởng vào những gì chúng tôi làm. 21 năm qua là hành trình của những nối kết đầy ý nghĩa, những cuộc đối thoại sôi nổi, đôi khi gây tranh cãi, cùng những dự án đầy cảm hứng và tham vọng. Người ta nói cứ mỗi 7 năm là một chu kỳ đổi mới, và khi chạm mốc 21 năm, chúng tôi cảm thấy hành trình này dường như mới chỉ bắt đầu.

 


 

 

Galerie Quynh thân mời bạn đến với 21 YEARS OF GALERIE QUYNH (21 Năm Galerie Quynh), triển lãm kỷ niệm 21 năm thành lập phòng tranh, do Thái Hà curate. Triển lãm quy tụ 16 nghệ sĩ, bao gồm những gương mặt hiện thuộc danh sách đại diện của phòng tranh cũng như những nghệ sĩ từng hợp tác trong quá khứ, cùng nhau khám phá hai thập kỷ biến đổi của Việt Nam qua những thực hành nghệ thuật mà Galerie Quynh đã giới thiệu. Quy mô và tham vọng của các tác phẩm trưng bày là minh chứng cho những thành tựu của phòng tranh tại cột mốc đặc biệt này.

 

Từ những ngày đầu hỗ trợ các họa sĩ trừu tượng – một thể loại tiên phong khi đó còn ít nhiều lạ lẫm tại Việt Nam – trong suốt 20 năm tiếp theo, phòng tranh bền bỉ đồng hành cùng những nghệ sĩ giờ đây đã ở tuyến đầu của nghệ thuật đương đại. Cùng lúc đó, Galerie Quynh góp phần mở rộng định nghĩa về nghệ thuật Việt Nam, khơi mở các cuộc đối thoại giữa cộng đồng nghệ thuật trong và ngoài nước. Bên cạnh triển lãm và hoạt động thương mại, phòng tranh còn khởi xướng nhiều dự án cộng đồng do nghệ sĩ dẫn dắt, nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt các chương trình giáo dục nghệ thuật. 21 YEARS OF GALERIE QUYNH không chỉ là một triển lãm kỷ niệm. Khi nhìn lại hành trình 21 năm để hướng về phía trước, triển lãm trình bày một lát cắt lịch sử được kể lại qua những sáng tạo không ngừng nghỉ của các nghệ sĩ và phòng tranh trong một bối cảnh đầy nghịch lý: mặc cho những hạn chế, vẫn chuyển động không ngừng.

 

Những cột mốc quan trọng đã định hình lịch sử. Năm 2003, khi Galerie Quynh mở cửa không gian trưng bày đầu tiên, cũng đánh dấu cột mốc hơn một thập kỷ kể từ khi Nhóm 10 Người tiên phong tổ chức triển lãm tranh trừu tượng đầu tiên tại Việt Nam – một thể loại trước đó chưa được công nhận chính thức (nhiều nghệ sĩ trong nhóm sau đó đã góp mặt trong các chương trình đầu tiên của Galerie Quynh). Một năm trước triển lãm đó, Liên Xô sụp đổ, Việt Nam mất đi một đồng minh và nguồn viện trợ kinh tế quan trọng, khiến đất nước phải thúc đẩy cải cách và điều chỉnh chiến lược ngoại giao; hai năm sau, Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại với Việt Nam. Khi nền kinh tế mở cửa sau quyết định Đổi mới năm 1986, trong suốt thập kỷ tiếp theo và đến năm 2003, Việt Nam chứng kiến sự bùng nổ về tăng trưởng kinh tế, song song với những thay đổi sâu sắc trong đời sống xã hội.

 

Trong bối cảnh hạ tầng xã hội có nhiều đặc thù và chủ yếu phục vụ những mục đích cụ thể, vai trò của phòng tranh đã vượt xa những chức năng thường thấy. Không chỉ đồng hành cùng nghệ sĩ, phòng tranh còn xây dựng mối liên kết với công chúng, đưa ngôn ngữ thị giác của nghệ thuật đương đại vào “lời ăn tiếng nói” hàng ngày. Nếu vào năm 2003, thể loại đương đại vẫn còn là một lĩnh vực dành riêng cho những người am tường nghệ thuật, thì hai thập kỷ sau đó, nó đã thực sự tìm được tiếng nói trong dòng chảy đại chúng, với số lượng khách tham quan phòng tranh không ngừng gia tăng như một minh chứng rõ nét cho sự chuyển đổi này.

 

Điều quan trọng là, việc được công chúng đón nhận tại Việt Nam mang một ý nghĩa hoàn toàn khác. Theo Lý thuyết Thể chế Nghệ thuật do Arthur Danto và George Dickie đề xuất, các phòng tranh là một phần trong mạng lưới thể chế nắm trong tay quyền xác lập danh xưng “nghệ thuật” cho một đối tượng vật thể. Dẫu cho điều này phù hợp với cách hiểu của phương Tây về thế giới nghệ thuật, thực tế tại Việt Nam – nơi quyền định nghĩa nghệ thuật thuộc về các thiết chế văn hóa chính thống – lại phức tạp hơn rất nhiều. Những tổ chức nằm ngoài khuôn khổ chính thống, nhưng vẫn vận hành như một thể chế theo định nghĩa của Danto và Dickie, rơi vào một khoảng giữa lưng chừng. Từ đó, có thể lập luận rằng, các phòng tranh, ngay từ bản chất, là những “không gian thay thế”. Chúng đảm nhận vai trò của các tổ chức cộng đồng, không gian sinh hoạt chung, thậm chí cả bảo tàng, tùy vào thời điểm và nhu cầu của cộng đồng.

 

Trong bối cảnh đó, Galerie Quynh xuất hiện và vận hành trong một vùng xám giữa các lằn ranh, mở ra những cách định nghĩa khác về nghệ thuật. Với sự hỗ trợ từ phòng tranh, các nghệ sĩ đã không ngần ngại đặt ra những câu hỏi và suy tư về xã hội, với sự hóm hỉnh và tinh tế. Galerie Quynh mang lại sự ổn định tài chính, giúp họ mở rộng phương thức sáng tác và dấn thân thể nghiệm với chất liệu mới, bởi hoạt động thương mại của phòng tranh chưa bao giờ bị chi phối bởi thị trường. Ở một mức độ đáng kể, chương trình triển lãm của Galerie Quynh góp phần tái định hình thị hiếu sưu tầm nghệ thuật đương đại Việt Nam, bằng cách hỗ trợ những nghệ sĩ dám đặt ra câu hỏi và mở rộng câu trả lời đối với các khái niệm “căn tính Việt”, “nghệ thuật” hay “nghệ thuật Việt Nam”. Đồng hành cùng những nghệ sĩ sáng tạo nơi ranh giới của những phương pháp và chủ đề chính thống, phòng tranh đóng góp cho các nỗ lực khắc sâu những thực hành thể nghiệm vào trí tưởng tượng của công chúng. Và lượng khách tham quan ngày một tăng cho thấy nhu cầu ngày một lớn đối với những hình thức biểu đạt vượt ra khỏi và mở rộng những khuôn khổ vốn có.

 

21 YEARS OF GALERIE QUYNH, nối tiếp tinh thần đó, khắc họa Việt Nam qua những tác phẩm nghệ thuật, nhưng không chỉ vì những tác phẩm này “nói về” Việt Nam. Thay vào đó, triển lãm nhấn mạnh cách nghệ sĩ tác động chính bối cảnh mà họ đã và đang sống. Trưng bày kết hợp cả các sáng tác mới, những tác phẩm từ kho lưu trữ và một tác phẩm trình diễn được đặc biệt tái-diễn cho dịp kỷ niệm, 21 YEARS OF GALERIE QUYNH mở ra một góc nhìn toàn cảnh hiếm hoi về sự vận động của nghệ thuật Việt Nam – vừa tái hiện và tái tạo chính bối cảnh nơi nó thành hình.