Không-đề (7 Cảnh huống): Phạm Minh Hiếu

12 March - 4 May 2024
Overview

Galerie Quynh hân hạnh giới thiệu Không-đề (7 Cảnh huống)  — triển lãm cá nhân vô cùng đặc biệt của nghệ sĩ Phạm Minh Hiếu đến từ Hà Nội. Được khai triển xuyên suốt 10 năm qua, Không-đề (7 Cảnh huống) là một triển lãm của nhiều triển lãm dựa trên cơ sở lý thuyết của chủ nghĩa hiện thực suy tưởng 1 và duy vật mới 2. Nghệ sĩ tạo nên những ‘sắp đặt tuyệt đối’ đầy suy tưởng, đưa người xem đắm chìm vào một trải nghiệm thẩm mỹ. Cách thức này mở lối phân kỳ nơi các lĩnh vực và thể loại đan xen, ranh giới của chúng phân rã và hoá dạng.

 

Không-đề (7 Cảnh huống) hé lộ từng mảnh trôi, lơi, lướt và phóng qua ba tầng lầu, ngụ trong nhiều quy mô và thời điểm khác nhau, ra sức thể hiện tính tự động và tự quyết của chúng. Hiếu chia sẻ, “Tôi không cho rằng triển lãm này lại bằng cách nào đó lớn hơn tổng các phần tử của nó, từng sắp đặt riêng. Tôi tin vào suy nghĩ bất phân thứ bậc của Bruno Latour, và quan niệm của triết gia rằng ‘những phần tử bé nhỏ nhất thì luôn dồi dào trong sự dị biệt và phức tạp hơn là tích tụ của chúng’ và rằng ‘cái to lớn, cái toàn thể, cái vĩ đại [...] chỉ là phiên bản đơn giản hơn, quy chuẩn hơn [của cái nhỏ bé].’”

 

Phân thành các không gian tách biệt  Một nơi nào đó, Phòng triển lãm, Phòng riêng (Trong này)Phòng thí nghiệm (Siêu) hình học thử nghiệm  tập hợp các cảnh huống này khiến chúng ta mất phương hướng, thách thức cảm quan về tri giác, thiên kiến, và lý tính của bản thân. Xuyên suốt triển lãm (1 cảnh huống), những sắp đặt riêng biệt (5 cảnh huống) quyến dụ người xem (1 cảnh huống nữa) bước vào bằng cái quen thuộc mơ hồ nhưng rồi sững lại trước những tác phẩm yêu cầu tạm hoãn niềm tin cố hữu. Người xem bị mắc kẹt trong căng thẳng giữa chủ quan của họ và xung đột tồn tại trong chính những vật còn chưa biết. Diễn giải theo Graham Harman, người khởi xướng bản thể luận duy vật thể 3, sự vật chỉ nên được tiếp cận gián tiếp; chúng không thể được diễn dịch hoàn toàn. Một vật luôn vượt ra ngoài miêu tả về nó hay bất cứ nỗ lực nào nắm bắt nó. Những cảnh huống của Hiếu gợi ra cái bất tận. Chúng lạ lẫm diệu kỳ, chứa đầy những phúng dụ không thể thành văn.

 

Mỗi cảnh huống riêng lẻ liên đới với khán giả, đánh đổ những thứ bậc giữa các cách thức hoạt động của tri giác, chất liệu và chế tạo: tranh khảm thủ công từ làng gốm cổ Bát Tràng va chạm với kỹ thuật soi hiển vi quét điện tử (SEM) hiện đại; một khán giả phản hồi với kỹ thuật âm thanh tân tiến chạy dọc cầu thang trong nỗ lực nắm bắt những hội thoại vô hình; thể loại chân dung tự hoạ lâu đời được tái hình dung, cô đúc thành hình khối với mẫu từ chính cánh tay nghệ sĩ, tự vận động khi được kết nối GPS để dõi theo anh trong thời gian thực; một căn phòng mơ ảo cát phủ bờ, loang ánh neon biểu lộ một phác thảo thí nghiệm tưởng tượng (gedanken experiment) của Einstein vào không gian; và chân bước lên bậc thềm trong phòng tối đẩy ta vào chuyến tàu vĩnh viễn đến vùng không biết.

 

 

1  Shaviro, S. (2015). Speculative Realism - a primer (tạm dịch: Hiện thực Suy tưởng- một cơ sở). Terremoto. https://terremoto.mx/en/revista/speculative-realism-a-primer. Thuật ngữ được dịch bởi nghệ sĩ. 

 

2  Dolphijn, R., & Tuin, I. V. D. (2012). “Matter feels, converses, suffers, desires, yearns and remembers” (tạm dịch: “Vật chất cảm thụ, chuyển hoán, chịu đựng, khao khát, mong mỏi và ghi nhớ”). Trong Dolphijn, R., & Tuin, I. V. D. (Eds.), New Materialism: Interviews & Cartographie (tạm dịch: Chủ nghĩa Duy vật Mới: Phỏng vấn & Bản đồ học) (pp. 48-70). Open Humanities Press. https://quod.lib.umich.edu/o/ohp/11515701.0001.001/1:4.3/--new-materialism-interviews-cartographies. Thuật ngữ được dịch bởi nghệ sĩ. 
 
3  Harman, G. (2020). History Lessons No 4: ‘Substance over Circumstance’ (tạm dịch: Bài học Lịch sử Số 4: ‘Bản thể hơn Bối cảnh’). ArtReview, Số 2014. https://artreview.com/history-lessons-1-april-2020-september-2014-graham-harman. Thuật ngữ được dịch bởi nghệ sĩ.
Works