từ Gốc lên Tàng: Triển lãm Nhóm

12 September - 7 October 2023
Overview

Xuyên suốt hành trình văn hoá của nhân loại, cây cối được minh chứng như nguồn biểu tượng mang nhiều tầng ý nghĩa khác nhau. Đặc trưng bởi các cành vươn thẳng lên trời và rễ bành trướng dưới đất, tính đối xứng và đối ngẫu vốn có này của cây là ví dụ phản ánh rõ nhất về các khía cạnh sự sống của con người. Tâm điểm của triển lãm nhóm từ Gốc lên Tàng là loạt tác phẩm của Hoàng Dương Cầm & Takayuki Yamamoto, Lê Thừa Tiến và Bruce Yonemoto, các nghệ sĩ đi sâu vào bản sắc, sự dịch chuyển và mối quan hệ phức tạp giữa cái tôi và cái ta.

Cây là một trong những biểu tượng ẩn dụ được sử dụng đa dạng trong các nền văn hoá, bởi lẽ chức năng, hình ảnh thị giác, chất lượng gỗ, và hành vi của nó có thể được áp dụng để mô tả các khía cạnh đời người. Cấu trúc phức tạp của cây, cùng bộ phận của nó (bao gồm rễ, cành, vỏ, thân, tán lá, hoa), là nền tảng cho phép ẩn dụ và hoán dụ nhằm miêu tả con người vừa là một cá thể vừa là một phần của cấu trúc xã hội nhân loại. Rễ cây đại diện cho nguồn gốc, khởi đầu, quá khứ; thân cây là đặc điểm nhân cách; cành cây và lá là quả ngọt, hạt giống, kết quả; cùng với đó, cành cây cũng mang ý nghĩ của sự vận động, lan toả, vươn xa; và cuối cùng, vỏ cây là ẩn dụ cho sự toàn vẹn. Hơn nữa , hình ảnh thị giác của cây còn đóng vai trò ẩn dụ cho khái niệm gia đình, không chỉ giới hạn trong tầm nhìn gia đình con người, mà còn bao gồm cả gia đình ngôn ngữ.1

Tại sảnh chính, bộ tác phẩm điêu khắc của Lê Thừa Tiến đứng sừng sững như những người gác cổng giữa truyền thống và hiện đại, đại diện cho tinh thần trường tồn của di sản văn hóa. Sự sáng tạo tỉ mỉ của nghệ sĩ đối với nghề thủ công truyền thống Việt Nam gói gọn những thăng trầm trong quá trình phát triển văn hóa, đặt câu hỏi suy ngẫm về mối liên hệ giữa quá khứ và hiện tại.

 

Tiến sâu hơn vào triển lãm, bộ tranh Pinhole đầy mê hoặc của Hoàng Dương Cầm dần hiện mình. Qua lăng kính của anh, những khoảnh khắc dịch chuyển và ký ức có phần mơ hồ được khắc sâu vào thời gian — một thực hành uyên thâm về những phức tạp của danh tính. Tác phẩm cộng tác của Cầm và Takayuki Yamamoto  Trên Từng Cây Số  dệt nên lớp cộng hưởng giữa những hành trình song song, như cây và cành, bộc lộ bản chất đan xen của cái cá nhân và đoàn kết.

 

Tại tầng trên, Lịch Sử Mây của Bruce và Norman Yonemoto đưa ra cái nhìn trầm ngâm về bầu trời một bức tranh đã chứng kiến cuộc hành trình của nhân loại qua các thời đại. Tác phẩm video mô tả sự hiện diện của những đám mây trong nghệ thuật, phát triển từ các yếu tố vô định hình trong tranh sơn dầu đến phông nền sản phẩm mơ mộng trong studio quảng cáo.

 

Bộ tác phẩm Bao phủ Trái đất của Bruce Yonemoto bắt nguồn từ ký ức thời thơ ấu về màu sơn đỏ đổ xuống Trái đất (tham chiếu đến logo mang tính biểu tượng của công ty Sherwin-Williams), được chuyển thành một tuyên bố về bản sắc văn hóa và sự thống nhất. Bằng cách kết hợp sơn mài hữu cơ châu Á với “sơn mài” phương Tây, các tác phẩm của Bruce tượng trưng cho sự biến đổi về bản sắc và chống lại định kiến chủng tộc. Là phản ứng trước những tổn thương thế hệ và nạn phân biệt chủng tộc chống lại người châu Á vốn trở nên trầm trọng hơn trong đại dịch Covid-19, loạt tác phẩm này gây tiếng vang mạnh mẽ, nói lên tiềm năng biến đổi của nghệ thuật trong một thế giới bị chia rẽ. Đối mặt với những thách thức này, tác phẩm của Bruce tiếp tục thu hẹp khoảng cách văn hóa, nhấn mạnh tầm quan trọng của chất liệu trong việc thể hiện bản sắc văn hóa.

 

 


 1   Ẩn dụ người-cây trong ngôn ngữ học Anh, viết bởi Elena Abramova, Elena Pavlycheva, Olga Tarasova và Lubov Tsilenko (2021), trang 6.

Installation Views
Works